TÓM TẮT
1. Khái niệm định kiến giới là gì
Có thể nói, định kiến xã hội tạo nên một sự phân biệt xã hội. Đó là sự thay đổi hình ảnh của chính mình hoặc làm méo mó, biến dạng về bản thân khiến chủ thể mang định kiến có sự đánh giá lạc hướng về mình, tạo nên một sự phân biệt ứng xử với người khác; hoặc đánh giá những phẩm chất hay ứng xử của người khác tùy theo những mong đợi của chúng ta và tạo ra sự biện minh xã hội (tạo cho chủ thể mang định kiến sự yên tâm và giúp họ tự bảo toàn, cũng như nâng cao được giá trị của mình).
Định kiến giới cũng vậy, nó có thể làm phụ nữ hay nam giới đánh giá không đúng hình ảnh bản thân mình cũng như đánh giá sai người khác. Định kiến giới làm đơn giản hóa quá trình nhận thức của con người về giới khác, ngăn cản hiểu biết chính xác những người không cùng giới tính với mình. Có thể hiểu một cách nôm na, định kiến giới là định kiến xã hội dựa trên cơ sở giới tính (định kiến của xã hội đối với nam giới hoặc nữ giới). Trong một xã hội vẫn còn tồn tại bất bình đẳng đối với phụ nữ thì định kiến giới được hiểu ngầm ẩn là định kiến đối với phụ nữ.
Một số khái niệm về định kiến giới được đưa ra trong các tài liệu về giới.
– Định kiến giới là suy nghĩ mà mọi người có về những gì phụ nữ và nam giới có khả năng và hoạt động mà họ có thể làm.
– Định kiến giới là tập hợp các đặc điểm mà một nhóm người, cộng đồng cụ thể coi là thuộc tính của phụ nữ hoặc nam giới (ví dụ: nội trợ không phải việc của đàn ông). Các định kiến giới thường không phản ánh đúng khả năng thực tế của từng giới mà thường giới hạn những gì mà xã hội cho phép hoặc mong đợi các cá nhân thực hiện.
– Định kiến giới là các giả định hay lòng tin được thể hiện mà không có nguyên nhân hay công lý hay nói chung là không có lợi và có thể dẫn đến gây hại có thể chất lẫn tâm lý cho phụ nữ và nam giới.
– Định kiến giới là việc nhìn nhận không đúng về khả năng của nam giới hoặc nữ giới; về tính cách mà nam hoặc nữ nên có; về loại hình hoạt động, nghề nghiệp mà nam hoặc nữ có thể làm hoặc không thể làm.
Một số định kiến giới thường gặp ở Viêt Nam:
– Phụ nữ là phụ thuộc, yếu đuối, thụ động; nam giới là độc lập, mạnh mẽ, có năng lực và là người ra quyết định;
– Nội trợ là công việc của phụ nữ, không phải là việc của đàn ông;
– Chồng có quyền dạy vợ, vợ phải nghe lời chồng;
– Nam là trụ cột trong gia đình, quyết định các việc lớn trong gia đình ; nữ nuôi dạy con cái, nội trợ, quản lý chi tiêu;
– Nam giỏi việc xã hội; nữ giỏi việc nhà…
Định kiến giới chủ yếu tác động tiêu cực tới cơ hội phát triển, thăng tiến của nữ vì các đa phần các định kiến này là các định kiến tiêu cực đối với nữ. Những định kiến này cũng gây ra không ít thiệt thòi cho phụ nữ về tinh thần, vật chất và còn là nguyên nhân tác động tới tình trạng bạo lực gia đình. Tuy nhiên, định kiến giới trong một số trường hợp cũng tác động tiêu cực đến nam giới như định kiến coi nghề làm giáo viên mầm non là nghề của phụ nữ; nghề làm hộ lý trong các bệnh viện là nghề của phụ nữ…đã cản trở và thu hẹp khả năng lựa chọn nghề nghiệp của cả nam giới và phụ nữ.
2. Định kiến giới – ‘Rào cản’ nên xóa bỏ và thực hiện Bình Đẳng giới
Bình đẳng giới là một trong những giá trị mang tính toàn cầu. Mục tiêu cơ bản của bình đẳng giới là xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế – xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.Trong nhiều năm qua, bình đẳng giới đã và đang từng bước được thực hiện có hiệu quả ở nước ta ngay từ khi nó được tiếp nhận. Tuy nhiên, tiến trình đi tới mục tiêu đầy nhân văn ấy vẫn còn nhiều khó khăn, cản trở, thách thức. Một trong những rào cản lớn nhất đó là định kiến giới. Bình đẳng giới sẽ không thực chất, không thành công nếu như định kiến giới vẫn tồn tại. Vì vậy, xóa bỏ định kiến giới là việc làm cần thiết cho dù điều đó còn khó khăn, phức tạp.
Xóa bỏ định kiến giới không chỉ dừng ở việc thay đổi nhận thức mà quan trọng hơn, phải giúp con người sống với đúng bản chất của mình. Có nghĩa là phải xây dựng được một thái độ sống đúng đắn, tích cực để từ đó người ta có thể thay đổi chính mình và thay đổi cả thế giới. Những quan niệm xưa cũ từng làm cho vị thế, thân phận người phụ nữ thấp kém, mỏng manh cần phải phê phán đúng mức và điều chỉnh cho phù hợp với thời đại. Bên cạnh đó, những nhu cầu giới cũng cần phải được quan tâm, điều tiết kịp thời. Đánh thức tiềm năng sống cùng với những đam mê, khát vọng, ý chí và bản lĩnh của người phụ nữ, phát huy ý thức trách nhiệm, sự thấu cảm, sẻ chia và những kỹ năng còn tiềm ẩn ở người đàn ông cũng là một cách tích cực nhằm từng bước xóa mờ những định kiến giới, thay đổi diện mạo xã hội. Thay đổi các khuôn mẫu văn hóa dựa trên cơ sở giới và tăng cường sự tham gia chính trị của phụ nữ là những mục tiêu hành động mạnh mẽ, cụ thể nhằm phát huy vai trò, vị thế của người phụ nữ trong cuộc sống hiện tại, hướng tới xây dựng một điển hình phụ nữ năng động, vượt qua những rào cản định kiến giới, làm chủ cuộc đời mình và đóng góp cho xã hội, cộng đồng.
Mục tiêu bình đẳng giới xuyên suốt trong chiến lước xây dựng và phát triển đất nước. Xóa bỏ định kiến giới, thực hiện bình đẳng giới là một nhiệm vụ quan trọng, không thể thiếu trong tiến trình thực hiện mục tiêu nhân văn, cao cả đó – mục tiêu mà mỗi một người dân Việt Nam đều khát khao, mong đợi và đang hết mình cống hiến.